Website dịch vụ

Cho con nuôi thú cưng có lợi ích thật không và những điều cần lưu ý

26-04-2024

Thú cưng có thể dạy trẻ nhiều kỹ năng trong cuộc sống, giúp trẻ có trách nhiệm, tự tin hơn… Đồng thời còn là một người bạn tuyệt vời của bé. Nếu mẹ còn băn khoăn liệu có nên cho con nuôi thú cưng không, hãy đọc bài viết sau đây.

Vì sao bạn nên cho con nuôi thú cưng?

1.Sống có trách nhiệm

Khi nuôi thú cưng, trẻ sẽ sớm phát triển ý thức về trách nhiệm và biết chăm sóc người khác. Thú nuôi cần được quan tâm và để mắt mọi nơi mọi lúc. Chúng phụ thuộc vào người nuôi, từ việc ăn uống đến giải trí. Những đứa trẻ nếu thích nuôi thú cưng thường học được cách đồng cảm và từ bi. Học cách chịu trách nhiệm về một sinh vật khác sẽ giúp trẻ chăm sóc bản thân tốt hơn.

Điều quan trọng là việc sở hữu một vật nuôi giúp bé biết chăm sóc con vật, dần dần hình thành ý thức trách nhiệm với con vật đó. Nếu còn quá nhỏ tuổi, bé có thể giúp cha mẹ đổ đầy nước hoặc thực phẩm vào bát ăn của con vật. Khi trẻ lớn hơn, bé có thể làm được nhiều việc hơn.

2. Vận động và chơi đùa

Vật nuôi, đặc biệt là chó, cần được vận động và chơi đùa. Các hoạt động mà trẻ em tham gia với vật nuôi thường là vật lý. Nhìn chung, các gia đình có vật nuôi dành nhiều thời gian ra ngoài chơi. Ánh nắng mặt trời và không khí trong lành tốt cho tất cả mọi người. Hiểu được sự cần thiết của vận động đối với sức khỏe của vật nuôi sẽ giúp trẻ em nhận ra sự cần thiết của vận động đối với chính mình.

3. Làm giảm căng thẳng

Chỉ âu yếm chú cún cưng cũng giúp trẻ có cảm giác an toàn. Nhiều người khi buồn bực thường chơi với những con cún cưng để cảm thấy thoải mái trở lại.

Mặc dù mèo “đanh đá” hơn chó nhưng khi là một con thú nuôi trong nhà, nó vẫn có thể giúp ta thoát khỏi những căng thẳng không đáng có. Khi ôm một con mèo nằm cuộn tròn trên tay, vuốt ve bộ lông mềm mượt của nó, cảm giác bực bội của ta sẽ tan biến.

4. Giúp trẻ khỏe mạnh

Theo nghiên cứu của Dennis Ownby, bác sĩ nhi khoa, giảng viên Đại học Y Georgia, việc có nhiều thú cưng thực sự làm giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ.

Ông Dennis đã theo dõi 474 em bé từ sơ sinh đến khoảng 7 tuổi. Kết quả cho thấy những đứa trẻ tiếp xúc với hai hoặc nhiều động vật hơn khi còn nhỏ sẽ bị dị ứng ít hơn một nửa so với đứa trẻ không có vật nuôi trong nhà. Các xét nghiệm chỉ ra rằng trẻ nuôi thú cưng ít bị các chứng như dị ứng vật nuôi, mạt bụi hay cỏ.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy việc tiếp xúc sớm với vật nuôi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ.

5. Dạy trẻ cách yêu thương, chăm sóc người khác

Việc biết cách chăm sóc người khác là quan trọng đối với trẻ em. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, có rất ít cơ hội để trẻ học được điều này. Những con vật nuôi có tác dụng giúp trẻ học cách chăm sóc người khác tốt hơn.

Cho con nuôi thú cưng có nguy hiểm không?

 

Theo chia sẻ từ nhiều chuyên gia Mỹ, hầu hết tất cả các loài chó đều có khả năng tấn công con người nhưng không phải con nào cũng muốn tấn công. Sự tấn công là hệ quả của nhiều nguyên do như chúng có cảm giác “muốn được chiến thắng” trước sự di chuyển của con người nên trở nên hung hăng hơn.

Bên cạnh đó là nguyên nhân xuất phát từ bẩm sinh. Do cách nuôi dạy của con người như cho ăn thịt sống hoặc chọi chó sẽ khiến chúng trở nên hung dữ hơn.

Một số lưu ý khi nuôi thú cưng khi nhà có trẻ nhỏ

1. Chọn giống cho phù hợp với gia đình

Tùy theo cách sống của cả nhà mà bạn nên chọn chú chó/mèo đáp ứng được nhu cầu của mình. Nếu không có thời gian, đừng chọn những giống thú cưng cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Hoặc nếu thích cuộc sống bình yên, ít khi đi đây đó, bạn cũng không nên chọn giống chó hay chạy nhảy như Labrador hay Retriever.

2. Có chương trình huấn luyện

Đây là khoản đầu tư mà bạn không bao giờ hối hận về sau. Một chương trình đào tạo bài bản, thường xuyên sẽ gắn kết bạn và chú chó của mình hơn. Không còn lo vấn đề tuân thủ các điều lệnh hay hung hăng quá mức.

3. Chú ý trong nhà có ai dị ứng với lông vật nuôi không

Nếu trong nhà có người dị ứng với lông chó, hãy chọn loại chó lông ngắn hoặc ít rụng lông như Poodles hoặc Schnauzers.

4. Tiêm chủng đầy đủ

Nếu đã chọn được thú cưng phù hợp, ba mẹ đừng quên kiểm tra xem con vật đã được tiêm chủng đầy đủ hay chưa. Nếu chưa thì cần đưa đi tiêm trước khi đem về nhà nuôi.

5. Giữ vệ sinh sạch sẽ

Thường xuyên tắm rửa cho vật nuôi để tránh các con ký sinh trùng có thể bám trên lông của chó/mèo. Ngoài ra cha mẹ cần lưu ý dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, không để lông chó/mèo bám nhiều sẽ khiến con hít phải.

Nguồn: https://vn.theasianparent.com/cho-con-nuoi-thu-cung